Quốc hội đánh giá cao phương thức tiếp cận mới trong xây dựng dự thảo Luật Đầu tư, từ việc “chọn-cho” sang “chọn-bỏ”, bảo đảm tính minh bạch của môi trường đầu tư cũng như sự đồng bộ với hệ thống các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh.
Sáng 10/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý để dự kiến thông qua trong kỳ họp lần này.
Điểm nổi bật của dự thảo Luật lần này được hầu hết các ý kiến ghi nhận, đánh giá cao là việc thay vì quy định theo hướng “chọn-cho”, nghĩa là cái gì “cho” (những ưu đãi, được phép đầu tư kinh doanh) thì ghi trong Luật, đã thay đổi theo hướng “chọn-bỏ” (những gì cấm, không được phép làm) thì mới ghi vào Luật.
Cụ thể, tại các Điều 6, 7 và 8 dự Luật đề cập trực tiếp tới ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Các cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã tiến hành tập hợp, rà soát kỹ lưỡng và xây dựng các danh mục mục tiêu này theo hai nguyên tắc.
Thứ nhất là rà soát, loại bỏ các quy định trùng lặp tại các danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, danh mục lĩnh vực cấm đầu tư theo Luật Đầu tư, danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo Luật Thương mại... để hợp nhất thành quy định các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Luật Đầu tư.
Thứ hai là quy định tiêu chí xác định danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và ban hành danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện kèm theo dự thảo Luật.
Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật.
Sau khi xem xét, cân nhắc, đã thu hẹp lại còn 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 6 của Dự thảo Luật và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Đại biểu Trần Du Lịch cho biết đây là cái mới nhất được cộng đồng DN, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao, phù hợp với tinh thần “công dân được làm những gì pháp luật không cấm”.
Đại biểu Bùi Quang Vinh (Bộ trưởng Bộ KH&ĐT) kỳ vọng cách tiếp cận này sẽ tạo động lực mới cho cải cách môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới. “Chúng ta không thể ghi đủ hết tất cả những thứ phải “cho”. Cần quy định như thế thì mới đi đến mục tiêu mọi cái đều minh bạch. Người dân, doanh nghiệp không phải đi “xin” những cái nằm ngoài danh mục, để người thích thì “cho”, người không thích thì không “cho” như thời gian qua”, ông Vinh nói.
Phương pháp “chọn-bỏ” được các đại biểu phát biểu đánh giá là tiên tiến, minh bạch, nhưng cũng khó làm, bởi những gì cấm thì sẽ ghi vào trong Luật nên phải rà soát hết sức cẩn thận, tránh để “lọt” hay tạo ra những kẽ hở pháp luật dễ bị lợi dụng.
Một nội dung cũng được các đại biểu quan tâm là vấn đề bảo hộ đầu tư đối với các doanh nghiệp, kể cả DN trong nước và FDI. Đặc biệt là việc công nhận về quyền tài sản đối với nhà đầu tư, các vấn đề bồi thường trong quốc hữu hóa, tư nhân hóa… đảm bảo quyền lợi khi chính sách thay đổi theo hướng đứng về phía DN.
Thủ tục đầu tư thông thoáng, bãi bỏ thủ tục chứng nhận đầu tư, tạo quy trình đơn giản hơn, rút ngắn thời gian cấp phép, đăng ký kinh doanh trên mạng, sử dụng chữ ký điện tử thậm chí sẽ xem xét không bắt buộc con dấu đối với DN, ưu đãi khởi nghiệp… cũng là những nội dung được nhiều đại biểu đề cập, góp ý.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tổng kết các vấn đề nổi bật của dự Luật và đánh giá, dự thảo Luật lần này hướng tới việc tạo ra động lực mới cho cải cách môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và thực sự đem lại lợi ích cụ thể cho các DN, nhất là khu vực kinh tế tư nhân, DN vừa và nhỏ.
Theo Nguyên Linh/baodientu.chinhphu.vn
dự Lễ khánh thành Dự án xây dựng tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà N...
Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ...
Ngày 03/7/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên có Thông cáo báo chí số ...
Ngày 4/5, tại Trung tâm Thông tin – Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ...
Ngày 21/12, huyện Phù Cừ phối hợp với Công ty Cổ phần Phát triển FUJI ...
Đẹp
Bình thường
Xấu
Khác
SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ TỈNH HƯNG YÊN
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp
Địa chỉ: Số 8, đường Chùa Chuông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên
Tel: (0221) 3524 666 Fax: (0221) 3525 999
Email: trungtamxtdt@hungyen.gov.vn
Văn phòng đại diện - Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ Doanh nghiệp
Địa chỉ: số 695, đường Nguyễn Văn Linh, phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Tel: (0221) 3522 668 Fax: (0221) 3525 999
Chịu trách nhiệm nội dung: ông Phạm Đức Hòa – Phó Giám đốc phụ trách điều hành.
Trung tâm xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Hưng Yên luôn mong muốn được nhận phản hồi từ các tổ chức/cá nhân/doanh nghiệp! Mọi ý kiến đóng góp, xin vui lòng gửi về địa chỉ email:
Nếu bạn có thắc mắc cần trợ giúp, vui lòng liên lạc qua số điện thoại nóng sau:
Chú ý: Nếu không liên lạc được, bạn cũng có thể gửi thông tin qua địa chỉ email trungtamxtdt@hungyen.gov.vn
Thủ tục đầu tư
Thủ tục đăng ký kinh doanh